Text Widget

14:11
0



Văn hóa ba miền, Banh chung lang Bac | Tin tức 24h Vntimes


Càng gần đến Tết, không khí tại các làng nghề càng trở nên hối hả, nhưng có lẽ một trong những làng nghề được quan tâm nhiều nhất là làng nghề gói bánh chưng ngày Tết. Chỉ riêng ở khu vực miền Bắc đã có rất nhiều làng nghề làm bánh chưng nổi tiếng từ bao đời nay và làng Bạc, thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội là một trong số đó.


Cứ vào những ngày giáp Tết, làng Bạc lại trở nên nhộn nhịp hơn cả, trong nhà những hộ làm bánh ngập tràn sắc xanh của lá dong, mùi thơm của đậu xanh, thịt lợn, những bếp bánh chưng đỏ lửa suốt đêm ngày... Mỗi người một việc, ai nấy đều bận rộn để kịp đưa ra thị trường hàng nghìn chiếc bánh chưng mỗi ngày...


bánh chưng làng Bạc
 Ảnh minh họa 

Nồi bánh chưng đỏ lửa

Làng Bạc toạ lạc cách cây cầu Thăng Long về phía Đông chừng 1km. Cái tên làng Bạc có từ thời Đông Hán đô hộ nước ta, do việc các chủ thuyền đi qua khúc sông này phải cống bạc cho trạm thuế do một tên quan thái thú lập ra. Dân làng Bạc trước kia sống bằng nhiều nghề như làm gốm, buôn chuối và trồng hoa... Từ vài chục năm nay, nhiều hộ trong làng đã chuyển sang nghề gói bánh chưng bán cho các cửa hàng. Tuy không nhiều lò bánh, nhưng làng lại có những dòng họ lớn chuyên làm bánh chưng từ bao đời, đến nay, con cháu vẫn nối nghiệp của gia đình.

Theo cô Phượng, chủ một gia đình làm bánh trong làng tiết lộ, mỗi làng nghề gói bánh chưng đều có cách gói và cách pha chế khác nhau, bản thân trong các hộ gói bánh tại làng cũng có những bí quyết gia truyền khác nhau, chỉ truyền lại cho người trong gia đình. Nhưng nhìn chung, bánh chưng muốn ngon, đầu tiên phải cầu kỳ chọn nguyên liệu từ thịt lợn, gạo nếp, đậu xanh đến lá dong, hạt tiêu...

Gạo làm bánh có rất nhiều loại nhưng ngon nhất vẫn là gạo nếp cái hoa vàng của vùng Hải Hậu (Nam Định) hạt tròn, thơm, dẻo, trắng đều. Trước khi gói bánh chỉ cần vo sạch gạo trước một giờ để ráo, chứ không nên ngâm gạo qua đêm.

Đậu xanh cũng phải chọn loại ngon, bở. Muốn bánh có vị ngậy và thơm, thợ làm bánh thường chọn loại đậu hạt nhỏ, để nguyên vỏ, ngâm kỹ trước khi đồ để nhân bánh có độ bở, tơi xốp.

Một nguyên liệu không thể thiếu trong nhân bánh nữa là thịt lợn. Thịt được chọn làm nhân không được nạc quá, không được mỡ quá, thích hợp nhất là phần thịt ba chỉ. Thịt được thái thành những miếng to bản, để nguyên bì sau đó ướp thêm nước mắm và hạt tiêu.

Bên cạnh những nguyên liệu ngon, để làm ra chiếc bánh chưng hoàn hảo còn phụ thuộc vào hai công đoạn quan trọng nữa là gói bánh và luộc bánh.

“Thật ra bánh chưng thì ở đâu cũng gói nhưng để bánh chưng không bị thiu, bị hỏng sớm thì phải đảm bảo làm theo công thức thịt nằm kín trong đỗ, đỗ nằm kín trong gạo và gói thật chặt tay..., khi cắt bánh ra đĩa, miếng nhân thịt nạc luôn cân đối ở tất cả các phần”, cô Phượng cho biết.

Nghe nói qua có vẻ đơn giản, nhưng để đạt được trình độ gói bánh sao cho thật chặt, thật chắc tay, bánh “vào khuôn” đẹp thì đòi hỏi người gói bánh đạt đến trình độ cao, phải là những người thợ lâu năm mới làm được.

Thông thường, vào dịp làm bánh chưng Tết, mỗi hộ gói bánh tại làng Bạc phải thuê thêm khoảng 10 - 15 nhân công để cọ lá, đãi đỗ và vo gạo. Còn những thợ chính trong làng đảm nhận khâu gói bánh. Với những thợ lâu năm, lão luyện, tốc độ gói bánh có thể lên tới 120 bánh/giờ.


bánh chưng làng Bạc
Ảnh minh họa 

Hấp dẫn bánh chưng làng Bạc

Bánh chưng làng Bạc được nhiều người Hà Nội ví là “bánh chưng vàng, chưng bạc” bởi giá đắt và chất lượng cũng thuộc loại ngon nhất nhì trong số các làng làm bánh quanh Thủ đô. Trong tiệc cưới của nhiều người Hà Nội, bánh chưng làng Bạc là món đãi khách không thể thiếu.

Những đầu mối đặt bánh chưng ở các chợ như Đồng Xuân, Hàng Da, Chợ Hôm... đều bị bánh chưng làng Bạc "hút hồn" dù giá giao buôn đắt hơn các làng khác 1-2 giá. Vào dịp Tết, tùy vào giá nguyên liệu mà giá bánh có thể tăng, giảm đôi chút, khoảng 40.000 đồng cho loại bánh thường và 50.000 đồng đối với bánh đặc biệt.

Chị Hồng - chủ cửa hàng bán lẻ bánh chưng, giò chả chợ Hàng Bè - cho biết, người Hà Nội sành ăn nên thực phẩm phải ngon, hợp khẩu vị. Bánh chưng làng Bạc thơm, dền, đầy đặn, vừa ăn nên khách rất chuộng.

Bánh chưng làng Bạc toàn bộ đều được gói bằng tay nên chất lượng phụ thuộc nhiều vào bàn tay của người thợ, chỉ cần thuê người thợ từ nơi khác đến gói thì vẫn nguyên liệu ấy, khách vẫn không hài lòng. Bởi vậy, sản xuất với số lượng lớn nhưng nhiều khi, các hộ làm bánh ở làng Bạc vẫn phải từ chối đơn đặt hàng của khách, nhất là vào dịp Tết vì thợ gói bánh không làm kịp.

Được biết, tính đến nay, tuy trong làng chỉ có khoảng 30 hộ làm bánh nhưng lượng bánh của làng Bạc cung cấp ra thị trường chiếm từ 20%-30% thị phần. Nhờ giữ được thương hiệu bánh chưng làng Bạc mà giờ đây các hộ trong làng hầu hết đều có cuộc sống ổn định, có một số gia đình đã phát triển quy mô thành những xưởng bánh, mỗi ngày có thể đưa ra thị trường gần nghìn chiếc bánh.

Trong không khí vui Tết, vui Xuân, người thưởng thức bánh chưng mới cảm nhận được cái hương vị đậm đà của một loại bánh dân tộc. Cứ như vậy, vào dịp Tết, bánh chưng làng Bạc tới nhà ai thì như đem niềm vui, đem không khí ấm áp của mùa Xuân tràn ngập vào gia đình đó.


0 Chia sẻ..:

Đăng nhận xét